XỬ LÝ NỀN NHÀ XƯỞNG BỊ SỤP LÚN

CÁC BƯỚC XỬ LÝ NỀN NHÀ XƯỞNG BỊ SỤP LÚN

Trong quá trình cải tạo, sửa chữa nhà xưởng tại các khu vực có nền địa chất yếu như Nhà Bè, Long An (KCN Hiệp Phước, KCN Long Hậu, KCN Xuyên Á, KCN Đức Hòa…), TDB Construction nhận thấy dù nền beton tại các nhà xưởng là nền beton cốt thép kiêng cố nhưng sau một thời gian sử dụng vẫn bị nứt, nền bị rỗng bên dưới (hở hàm ếch), sụp lún không đều tại nhiều vị trí, một số nhà máy nền bị lún mỗi năm từ 5-10cm. Về mặt kết cấu chịu lực thì trước mắt việc nứt, lún nền không ảnh hưởng quá nhiều đến hệ khung kèo thép (do hệ kết cấu này được thiết kế độc lập và đặt trên hệ móng được ép cọc sâu bên dưới chịu tải trọng rất lớn). TDB Construction chia sẻ quá trình xử lý cải tạo nền bị lún tại một nhà máy FDI trong KCN Hiệp Phước Nhà Bè mà chúng tôi đã đã thực hiện.

- Bước 1. Khảo sát khoanh vùng vị trí nền bị lún cần xử lý. 

Rào chắn khu vực thi công, đảm bảo công tác an toàn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy.

- Bước 2: Dùng máy cắt, đục bỏ nền toàn bộ nền beton vị trí cần xử lý. 

Tiến hành đục bỏ phần nền beton hiện trạng (dùng cơ giới hoặc đục beton thủ công tùy điều kiện không gian cho phép), vận chuyển xà bần bỏ đi hết.

- Bước 3: Lu lèn nền hạ đạt độ chặt (nền lu không còn bị lún và đạt độ K yêu cầu).

Sau khi tháo bỏ hết lớp beton cũ, tiến hành lu lèn để đảm bảo lớp đất bên dưới đủ độ chặt, bù thêm đá 0x4 đến cao độ dự kiến và tiếp tục lu lèn bằng xe cơ giới cho đến khi bề mặt nền hạ được rắn chắc, bằng phẳng, xe lu chạy không cảm nhận bị lún (cảm nhận bằng mắt). Sau khi cảm thấy độ chặt của đất nền đạt yêu cầu, tiến hành thí nghiệm test độ chặt K của đất nền. Công tác thí nghiệm test độ chặc K được thực hiện trực tiếp tại hiện trường và phải do các đơn vị thí nghiệm uy tín được nhà nước cấp phép. Tiếp tục lu lèn cho đến khi nền hạ đạt độ chặt yêu cầu (cả về mặt cảm quan bằng mắt và về mặt thí nghiệm K > 0.95).

- Bước 4: Trải bạt chống mất nước và lắp đặt cốt thép.

Trải bạt vinyl toàn bộ nền chống mất nước khi đổ beton và chống ẩm cho bề mặt nền sau này. Lắp đặt thép cho toàn bộ nền (thường sử dụng thép phi 10a200 2 lớp).

- Bước 5: Đổ beton dầy tối thiểu 15cm.

Đổ beton Mác 300 độ dầy từ 15-20cm, tùy theo điều kiện về thời gian sử dụng của nhà máy có thể dùng phụ gia đông kết nhanh R3 giúp beton nhanh chóng đạt cường độ để sử dụng ngay sau vài ngày đổ beton. Sau khi đổ beton tiến hành xoa nền chống nứt bề mặt và bão dưỡng giữ độ ẩm bề mặt beton liên tục trong vòng 3 ngày đầu, cắt ron chống nứt tại những vị trí cần thiết. Beton sau khi đạt cường độ (3 ngày - beton R3) có thể đưa vào vận hành, sản xuất.